
Đang kinh doanh ăn nên làm ra, tuy nhiên vợ chồng ông Nguyễn Quang Sức quyết định dừng việc kinh doanh lại, dùng khách sạn của gia đình làm nơi cưu mang cho trẻ em mồ côi và người già vô gia cư.
Nằm sâu trong một con đường nhỏ ở TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), cơ sở bảo trợ từ thiện Ngọc Quý được bao bọc bởi không gian đầy cây xanh bình yên. Chủ cơ sở là ông Nguyễn Quang Sức (75 tuổi) quê ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Từ nhỏ ông đã mồ côi cha mẹ, được đưa vào cô nhi viện.
Lúc ông Sức được hơn 10 tuổi thì bắt đầu lên TP.HCM làm nghề vá xe để kiếm sống qua ngày. Sau này, một lần tình cờ gặp bà Đỗ Thị Quý (quê Bình Dương) họ bén duyên và thành vợ chồng.

Trước kia nơi đây là khách sạn Ngọc Quý
Cưới nhau với 2 bàn tay trắng, sau ngày cưới ông Sức vẫn tiếp tục vá xe đạp, xe máy rồi cả xe hơi để lo cuộc sống cho gia đình. Nhờ chăm chỉ làm ăn và biết tiết kiệm, một thời gian sau ông bà dành dụm được ít tiền và quyết định mở quán bán cơm để kiếm thêm thu nhập.
Dần dần vợ chồng ông tích góp được tiền đủ mua một căn nhà nhỏ ở quận Bình Tân. Thời gian này ông bà chuyển hướng sang mở cơ sở xông hơi, mát xa.
Thu nhập từ công việc ngày càng tăng, năm 2002, Ông Sức trở về Bình Dương mua thêm 1.000 m2 đất kế bên miếng đất hơn 1.000 m2 của cha mẹ bà Quý để lại, xây khách sạn Ngọc Quý với 50 phòng được trang bị đầy đủ tiện nghi. Cũng kể từ đây cuộc sống của ông bà được thay đổi hoàn toàn, không còn khó khăn như trước nữa.
Năm 2012, đang lúc ăn nên làm ra thì bất ngờ vợ chồng ông Sức quyết định nghỉ kinh doanh và biến khách sạn này thành cơ sở bảo trợ xã hội từ thiện Ngọc Quý. Nhiều người thấy vậy đều cho rằng vợ chồng ông bà “dở hơi”, làm việc không đâu nhưng ông bà bỏ ngoài tai.
Chia sẻ về việc làm của mình ông Sức cho biết: “Tôi cũng từng là trẻ mồ côi nên hiểu được cuộc sống khó khăn, vất vả của những đứa trẻ không cha mẹ. Nhìn các bé lang thang, những cụ già không nơi nương tựa tôi đồng cảm sâu sắc với họ. Bởi vậy tôi dành nơi này trở thành mái ấm bù đắp cho những hoàn cảnh kém may mắn giống tôi ngày trước”.
Hiện tại cơ sở của ông bà đang cưu mang 38 trẻ em mồ côi và 2 người già neo đơn. Theo lời ông Sức, trước kia số lượng người già ở đây là 15 người nhưng họ đã mất vì tuổi cao nên giờ chỉ còn 2 người. Những người già mất đi đều được ông bà lo hậu sự một cách cẩn thận, chu đáo.

Những đứa trẻ ở đây đề được vợ chồng ông Sức coi như người thân trong gia đình
Hàng ngày những người ở đây đều được ông bà chăm sóc từ miếng ăn đến giấc ngủ. Những đứa trẻ đến tuổi đi học đều được đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa khác.
Các bé ở đây đều học hành chăm chỉ, một số bé nhiều năm được giấy khen học sinh giỏi khiến vợ chồng ông bà Quý rất vui mừng.
Chi phí sinh hoạt hàng tháng ở cơ sở đến từ tiền lãi gửi ngân hàng của ông bà và tiền giúp đỡ của từ các nhà hảo tâm. Đặc biệt, các con của ông đều rất ủng hộ việc làm thiện nguyện của cha mẹ. Có điều kiện họ đều phụ thêm để cho ông bà lo cho các bé và các cụ già.
Cứ như thế, cơ sở bảo trợ từ thiện Ngọc Quý đã che trở và bù đắp tình thương cho các mảnh đời bất hạnh trong nhiều năm qua. Người này đến lại giới thiệu cho người khác, chẳng mấy chốc cơ sở đã lên mấy chục người. Ông bà phải huy động hết tiền làm lụng và tiền tiết kiệm, thậm chí bán cả căn nhà ở Bình Tân để có tiền chăm lo cho những mảnh đời kém may mắn.
Ông Sức khẳng định: “Ngày nào tôi còn sống, tôi sẽ luôn chăm sóc cho những người ở đây, không để cho họ phải chịu đói, chịu lạnh một ngày nào”.
Bà Quý chuẩn bị đồ ăn buổi chiều cho các bé
Bà Quý cũng chia sẻ: “Ở đây lúc nào cũng vui vẻ vì luôn có có tiếng cười của mấy đứa nhỏ. Các cháu ngoan và lễ phép, nhìn mấy thấy bọn trẻ lớn lên từng ngày tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.
Không những thế, cơ sở bảo trợ từ thiện của ông Sức còn mở thêm một phòng khám Đông y khám chữa bệnh miễm phí vào thứ 2, 4, 6 hàng tuần. Ông Sức đã mời một bác sĩ Đông y có chuyên môn đến bốc thuốc, khám chữa bệnh miễn phí cho những người nghèo ở tỉnh và những vùng lân cận. Những người bệnh đến phòng khám đều được khám sức khỏe tỉ mỉ và được bốc thuốc miễn phí mang về.
Lúc trước có người từng trả giá mua lại cở sở của ông bà với giá 12 tỷ đồng những ông bà không bán. “Số tiền đó tuy lớn nhưng ông cảm thấy day dứt nếu bán bởi sẽ không còn chỗ cho những người cơ nhỡ và trẻ em mồ côi nương tựa”. Ông Sức tâm sự.
Hải Nam -Trịnh Uyên